Các doanh nghiệp nội địa trong ngành nhôm đang đối mặt nhiều rủi ro trước nhu cầu thị trường suy giảm mạnh, quyết định áp thuế chống bán phá giá sắp hết hiệu lực. Đáng lo nhất là xu hướng “dịch chuyển” của những nhà sản xuất nhôm Trung Quốc sang Việt Nam để “né” thuế phòng vệ thương mại trong nước và lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2023 được công bố gần đây của CTCP tập đoàn nhôm Sông Hồng Shalumi (NSH) – một trong những doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nhôm thanh định hình, cho thấy doanh thu đã sụt giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do chi phí lãi vay lại cao nên dẫn đến lợi nhuận đã giảm đi 10% so cùng kỳ năm 2022.

Tình cảnh suy yếu, bào mòn từng ngày

Còn với báo cáo thường niên chuẩn bị cho đại hội cổ đông 2023 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 6/2023, NSH có lưu ý rủi ro về thị trường tiêu thụ. Đây được xem là bài toán khó nhất đối với các DN thuộc ngành nhôm, nhất là tác động từ sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới.

Các DN nội địa trong ngành nhôm đang lo ngại xu hướng “dịch chuyển” của những nhà sản xuất nhôm Trung Quốc sang Việt Nam.

Không những vậy, theo NSH, nhôm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn nhiều, giá cả hợp lý đã thu hút tâm lý người tiêu dùng với “nhôm nhập khẩu”. Đây cũng là rủi ro không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, phía công ty còn gặp rào cản khi các nước đang tăng cường bảo hộ về giá cả.

Có thể thấy, những yếu tố nêu trên có thể làm thu hẹp thị trường trong nước và xuất khẩu đối với NSH, qua đó làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tác động đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Tương tự như vậy, một số DN khác trong ngành nhôm nội địa cho rằng, rủi ro đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ hiện đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền kinh tế chung, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường.

Đáng chú ý, bên cạnh áp lực từ nội bộ ngành thì các DN này cũng phải xử lý các vấn đề từ nguồn nhập khẩu, đặc biệt là nguồn nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các vấn đề về tỷ giá đối với xuất nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của công ty.

Có thể bạn quan tâm:

Những rủi ro nêu trên được cho là sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các DN nội địa trong ngành nhôm do chi phí tăng cao, chính sách đối với khách hàng…, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Mới đây, trên website của Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), nhân giới thiệu về diễn đàn DN ngành nhôm Việt Nam 2023 (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 5/2023), phía hiệp hội này có cho biết ngành nhôm Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề, thách thức lớn.

Cụ thể, đó là nhu cầu thị trường suy giảm mạnh khiến cho các nhà sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng, dòng tiền cạn kiệt, sức khỏe của các DN, nhất là DN sản xuất đang bị suy yếu, bào mòn từng ngày.

Bên cạnh đó, theo VAA, toàn ngành đang phải đối mặt với một số thách thức như: Quyết định áp thuế chống bán phá giá sắp hết hiệu lực. Xu hướng chuyển dịch dòng sản xuất từ nhôm của Trung Quốc sang Việt Nam để “né” thuế phòng vệ thương mại trong nước và lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất khẩu. Thị trường trong nước còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết.

Mối lo nhôm Trung Quốc “dịch chuyển”

Trong động thái mới đây, VAA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đề nghị có biện pháp ngăn chặn đối với các dự án đăng ký có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tìm cách đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam, sau khi bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá mức cao.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty Xingfa Quảng Đông (một trong những DN sản xuất nhôm sớm nhất và có quy mô lớn nhất Trung Quốc). Hồi tháng 2/2023, lãnh đạo công ty này có đến làm việc với UBND tỉnh Hải Dương đầu tư xây dựng nhà máy gia công, lắp dựng nhôm, kính với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng.

Như trình bày của ông Li Wang – Chủ tịch Công ty Xingfa Quảng Đông, khi đầu tư vào Hải Dương thì công ty sẽ sử dụng khoảng 17ha đất và sản xuất khoảng 150.000 tấn sản phẩm/năm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; doanh thu đạt khoảng 600 triệu đô la, trong đó nộp thuế và VAT khoảng 85 triệu đô la; thu hút khoảng 1.500 công nhân lao động đến làm việc.

Trên website của tỉnh Hải Dương cho thấy, tại buổi tiếp và làm việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh là ông Lưu Văn Bản đã hoan nghênh Công ty Xingfa Quảng Đông đến nghiên cứu môi trường đầu tư tại Hải Dương. Đồng thời, ông Bản đã giới thiệu với nhà đầu tư những tiềm năng, lợi thế, những dự án đang kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là Cụm công nghiệp Cao Thắng, huyện Thanh Miện.

Tuy nhiên, như cảnh báo của VAA, Công ty Xingfa Quảng Đông là đối thủ chính của các nhà máy nhôm định hình trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt, công ty này cũng là đối tượng chính của quyết định chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc mà Việt Nam thực hiện từ 2019 đến nay.

Cần nhắc lại, ngành sản xuất nhôm trong nước đã từng có giai đoạn phải chịu thiệt hại nặng nề do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Điều này khiến cho hầu hết các DN nội địa đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động phải nghỉ việc. 

Và lần gần đây nhất, 18 công ty sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nhôm của Trung Quốc đã bị Bộ Công Thương ra quyết định (có hiệu lực kể từ ngày 11/3/2023) áp thuế chống bán phá giá, mức thuế từ 2,85% đến 35,58%. Cụ thể, đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy vậy, nếu nhìn vào việc Công ty Xingfa Quảng Đông đang nhắm đến đầu tư nhà máy sản xuất nhôm ở Hải Dương thì mối lo của VAA là hoàn toàn có lý. Nhất là để tránh bị áp thuế thì các nhà sản xuất nhôm của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để có thể vừa tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, EU, Anh…vừa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại (FTA) mà nhôm Việt Nam đang được hưởng.

Nhìn một cách khách quan, những lưu ý về rủi ro thị trường tiêu thụ, về động thái “dịch chuyển” của nhôm Trung Quốc là điều mà các cơ quan quản lý và khâu chính sách cần lưu tâm và có đối sách phù hợp để gỡ khó phần nào cho các DN nội địa trong ngành nhôm.

Nguồn: vnbusiness