Vừa qua, việc nhập khẩu nhôm Billet gặp nhiều cản trở về giá và vận chuyển. Một số nhà cung cấp Việt đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu, chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Nhôm Billet là phôi nhôm dạng thanh tròn hình trụ, đóng vai trò nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhôm phục vụ nhiều lĩnh vực như xây dựng, vận tải, năng lượng, điện tử… Do đó, giá nhôm Billet tăng cao đồng nghĩa với việc hầu hết các ngành sản xuất gặp khó khăn. Vì vậy, đây là nguyên liệu quan trọng, được các nhà cung cấp đẩy mạnh sản xuất, nhất là khi thị trường thế giới bất ổn như thời gian qua.

Thị trường nhôm thế giới bất ổn

Nhôm được cho là điện ở thể rắn vì để sản xuất nhôm tốn rất nhiều năng lượng điện. Mỗi tấn nhôm cần khoảng 14 megawatt giờ điện để sản xuất, đủ để một gia đình tại Anh sử dụng khoảng hơn 3 năm.

Vừa qua, Trung Quốc, “vựa nhôm” lớn nhất thế giới phải đối mặt với sự thiếu điện trên diện rộng. Chính phủ nước này nhanh chóng áp dụng những chính sách thắt chặt sản xuất khiến nguồn cung khan hiếm. Đồng thời, chiến sự tại Ukraine cũng ảnh hưởng tới nguồn cung từ Nga, nước sản xuất khoảng 6% lượng nhôm trên toàn thế giới. Mặt khác, giá cước vận chuyển tăng cao do giá nhiên liệu tăng và ảnh hưởng của Covid. Tất cả tạo áp lực khiến giá nhôm tăng phi mã, đạt đỉnh cao nhất trong 14 năm qua. Các chuyên gia đánh giá tình trạng này chưa sớm hạ nhiệt trong năm 2022.

Các doanh nghiệp Việt Nam tăng công suất

Giữa lúc nguồn cung thế giới suy giảm, giá tăng cao thì nhu cầu sử dụng nhôm nói chung và nhôm Billet nói riêng vẫn rất lớn bởi đây là nguyên liệu quan trọng cho hầu hết lĩnh vực sản xuất, xây dựng. Đồng thời, kinh tế Việt cũng đang dần hồi phục sau Covid. Theo ông Trần Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Nhôm Ngọc Diệp, đây là cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, đánh bật các nhà cung cấp nước ngoài và chiếm lĩnh thị trường.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhôm Việt đang đẩy mạnh công suất, đầu tư vào máy móc thiết bị và công nghệ; các sản phẩm nhôm billet được sản xuất trên dây chuyền hiện đại khép kín với 100% máy móc nhập khẩu Nhật Bản, Đức, Italia… và công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành; linh hoạt trong kinh doanh đang chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

(Ánh Dương – Nhịp sống kinh tế)

Xem thêm có thể bạn quan tâm: