Thời gian qua, dự thảo nghị định phát triển điện mặt trời áp mái của Bộ Công Thương giới hạn tổng công suất lắp đặt và quy định điện mặt trời dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng đã thu hút nhiều quan tâm.

Theo dự thảo, nếu phát điện thừa lên lưới, nguồn điện mặt trời áp mái sẽ không được EVN trả tiền mua. Trong ảnh: điện mặt trời mái nhà ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, có thể tính toán thêm đến các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái, tránh lãng phí mà vẫn hài hòa lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, hộ gia đình).

Mua điện mặt trời áp mái có phụ phí điều độ hoặc hoán đổi chỉ số?

Liên quan nội dung dự thảo của Bộ Công Thương, quy định phát điện dư lên lưới với giá 0 đồng, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-5, lãnh đạo một tập đoàn năng lượng phía Nam cho rằng bên mua điện là EVN hoàn toàn có thể tính toán, mua hỗ trợ cho nhà đầu tư với giá 50% giá hiện nay để nhà đầu tư bù chi phí sản xuất, tạo sự công bằng bởi nguồn điện mặt trời sau khi được tiếp nhận sẽ dùng để bán lại.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ không phát điện dư lên lưới khi không được trả tiền bởi khi vận hành cơ chế này sẽ giảm tuổi thọ thiết bị, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới (Zero Export).

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp khác thừa nhận khi đưa điện mặt trời lên lưới nhiều sẽ ảnh hưởng đến điều độ hệ thống điện, gây áp lực cho EVN khi phải đầu tư hệ thống truyền tải.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho rằng giá 0 đồng không thể hiện bản chất của thị trường khi nguồn điện đó lại được dùng để bán lại. Do đó, cần có chính sách để EVN mua lại với mức giá phù hợp và tùy vào khả năng của đường truyền tại mỗi khu vực để hình thành thị trường.

“EVN hoàn toàn có thể thu phí điều độ đối với các dự án điện ở quy mô vừa phải. Điều này sẽ giúp minh bạch thị trường, làm rõ các chi phí của các bên trong thị trường, tận dụng nguồn điện dư thừa thay vì mua với giá 0 đồng”, vị này nói.

Ông Trần Văn Hoa – giám đốc doanh nghiệp điện mặt trời – cho rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ, trong đó quy định một tỉ lệ nhất định điện mặt trời phát lên lưới sẽ được giảm bao nhiêu số điện mua từ EVN.

Ví dụ quy định một hộ gia đình không được lắp nguồn điện mặt trời quá công suất tiêu thụ cực đại, sau đó quy đổi 2-5 kWh điện mặt trời lên lưới thành 1 kWh mua điện từ EVN. Như vậy vừa khuyến khích người dân lắp điện mặt trời nhưng vẫn khống chế công suất lắp đặt.

Ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời tỉnh Bình Thuận – cũng cho rằng nên khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng việc nếu có công suất dư thừa, EVN có thể mua lại với một mức giá hợp lý. Ví dụ nếu bán cho người dân 8 cent/kWh, EVN có thể mua điện mặt trời dư thừa với giá 2-3 cent/kWh.

“Bán được dù mức giá rất thấp nhưng cũng là hạch toán có đầu vào đầu ra, mang tính khuyến khích hơn”, ông Thịnh nói.

Các doanh nghiệp đề xuất được bán điện mặt trời lên lưới với giá hợp lý và sẵn sàng chia sẻ chi phí điều độ với EVN – Ảnh: NGỌC HIỂN

Cần có cơ chế để lắp hệ thống lưu trữ điện

Bộ Công Thương cho rằng khi điện mặt trời đấu nối với hệ thống điện quốc gia, hoạt động của hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia do điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và thời tiết; khi không có bức xạ mặt trời hoặc ban đêm, các thiết bị phải dùng điện quốc gia, dẫn đến thay đổi tăng giảm nhanh của hệ thống điện.

Trong trường hợp điện mặt trời không liên kết với lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng các tổ chức và người dân phải tự cân đối nguồn – tải tại chỗ. Đồng thời khuyến khích kết hợp điện mặt trời áp mái với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay hiện Luật Điện lực, văn bản pháp luật của Chính phủ chưa có quy định việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái kết hợp hệ thống lưu trữ điện.

Cho rằng lưu trữ năng lượng là giải pháp quan trọng trong phát triển điện mặt trời, ông Samresh Kumar – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP SkyX Solar – đề xuất cần có các quy định rõ ràng để các doanh nghiệp lắp lưu trữ điện. Theo ông Samresh Kumar, để lắp đặt hệ thống lưu trữ rất đơn giản, song về mặt quy định pháp luật hiện tại vẫn chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc triển khai.

Tương tự, ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – cho rằng hệ thống lưu trữ sẽ giúp nâng cao tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Theo ông An, hệ thống lưu trữ sẽ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm áp lực cho lưới điện, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Do đó, ông An cho rằng nếu có các chính sách cơ chế khuyến khích phù hợp, chẳng hạn như có cơ chế mua bán hoặc bù trừ điện năng cho hệ thống lưu trữ để có thể huy động điện trong các giờ cao điểm hoặc ban đêm, đây sẽ là một động lực để khuyến khích việc đầu tư trang bị thiết bị lưu trữ năng lượng cho hệ thống.

Điện mặt trời áp mái nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tự sản tự tiêu kiểu san sẻ được không?

Theo dự thảo nghị định, nguồn điện mặt trời áp mái nối lưới không chỉ bị giới hạn công suất và chỉ được ghi nhận với giá 0 đồng mà người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống này sẽ không được bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.

Với nguồn điện áp mái không nối lưới sẽ phát triển không giới hạn công suất, nên được khuyến khích lắp đặt thêm hệ thống lưu trữ điện. Tuy nhiên, cả hai nguồn điện này đều sẽ không được phép bán điện cho tổ chức, cá nhân khác mà chỉ để phục vụ nhu cầu tự dùng, đúng bản chất “tự sản tự tiêu”.

Tuy vậy, tổng giám đốc một doanh nghiệp điện mặt trời tại TP.HCM cho biết dự thảo nghị định chưa có hướng dẫn đối với các doanh nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán trực tiếp cho tổ chức ở phía dưới.

Theo vị này, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để tự đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Do đó, việc để cho các công ty chuyên nghiệp thuê lại áp mái xưởng để lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho chính nhà xưởng bên dưới là phù hợp với nhu cầu thị trường, bản chất loại hình này không khác gì hình thức tự sản tự tiêu.

“Để cho các công ty chuyên nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho doanh nghiệp bên dưới giúp các doanh nghiệp sản xuất dễ dàng sử dụng năng lượng tái tạo, dễ dàng đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI và góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện”, vị này khẳng định.

Trong khi đó, dự thảo đề xuất cần ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện áp mái tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.

Theo các chuyên gia, việc xin ngân sách để lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách trong khi thủ tục và quy trình đầu tư thường sẽ kéo dài rất lâu. Do đó, cần có cơ chế cho phép các doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho các cơ quan hành chính với mức giá thấp hơn, khoảng 30 – 50% giá điện bán lẻ.

Xem thêm:

Nguồn: Tuổi trẻ